Trái phiếu rác có phải là trái phiếu rác?
Gần đây, khi những vụ việc về Trái phiếu Doanh nghiệp (TPDN) xuất hiện ngày một nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cụm từ Trái-phiếu-rác cũng xuất hiện nhiều hơn qua sự gào thét mạnh mẽ từ số đông.
Trong tiếng Anh, có thuật ngữ là "Junk Bonds" (JB) với định nghĩa sau từ Investopedia: "Junk bonds are bonds that carry a higher risk of default than most bonds issued by corporations and governments. A bond is a debt or promise to pay investors interest payments along with the return of invested principal in exchange for buying the bond. Junk bonds represent bonds issued by companies that are financially struggling and have a high risk of defaulting or not paying their interest payments or repaying the principal to investors."
JB - được hiểu là những trái phiếu mà có rủi ro không hoàn thành nghĩa vụ của mình (fails to make payment) trong những khoảng thời gian đã được quy định trước (within the specified period). Tóm gọn lại là JB là Trái phiếu mà có xác suất không trả được nợ hơn những Trái phiếu khác.
Còn Trái-phiếu-rác thì sao? Theo mình hiểu, ý của những người gọi TPDN là Trái-phiếu-rác một cách quy chụp, thì những Trái phiếu này là vô giá trị, phải bán, phải "xả"...ngày lập tức, vì với họ cho rằng, "sớm thôi" họ sẽ không thể nhận lại được gốc.
Vậy JB được hiểu là Trái-phiếu-rác có đúng không? Mình cho là không!
Bất cứ 1 Trái phiếu nào, đều có rủi ro không hoàn thành nghĩa vụ, câu hỏi đặt ra là (1) chúng ta đánh ra xác suất đó là bao nhiêu? và (2) chúng ta nên trả bao nhiêu để bù đắp cho rủi ro đó. Cũng giống như Junk foods, không có nghĩa là đồ ăn đó là rác, dĩ nhiên, chúng ta hiểu nó có hại cho sức khỏe, nhưng không có nghĩa thỉnh thoảng chúng ta không thể thưởng thức cái đùi ga rán, hay những cái pizza thơm ngon. Hay ví dụ nhưng chiếc xe RR của chủ doanh nghiệp nào đó đang đấu giá mãi không thành công, nếu như giá bán của chiếc xe đó chỉ là1 tỷ đồng, hay 100 triệu đồng, liệu rằng bạn có sẵn sàng mua nó?
Không thực hiện được nghĩa vụ, cũng không có nghĩa là bạn sẽ nhận về con số 0 tròn chĩnh, 1 tờ giấy vụn mà nó còn có quy trình để xử lý tài sản đảm bảo, để cơ cấu nợ, để thanh lý tài sản, để rồi bạn có thể nhận lại 1 phần nào đó. Nên nhớ, khi bạn nắm giữ Trái phiếu, bạn sẽ được "đòi" (claim) trước chủ sở hữu. Việc tạo áp lực, rùm beng lên, hay thậm chí là biểu tình đòi quyền lợi, nhiều khi lại là lợi bất cấp hại vì nếu để thời gian, có thể doanh nghiệp có thể cơ cấu lại nợ, cơ cấu nợ, phát triển hơn để có thể trả nợ cho trái chủ thay vì phải bán tháo tài sản với giá rẻ.
Ở các thị trường phát triển, thậm chí còn có những quỹ đầu tư tập trung vào những tài sản rủi ro cao như vậy gọi là distressed debt funds. Những quỹ này tập trung vào những công ty đang gặp khó khăn, lợi suất trái phiếu lên mức 20-30% chả hạn để mua, đặt cược (betting) vào việc công ty sẽ hồi phục (recover) từ đó trái phiếu cũng được đánh giá lại (re-rate) về mức đâu đó 10% chả hạn, lợi nhuận đã là khổng lồ.
Mình hiểu sự lo lắng của những trái chủ, nhưng những hành động để đòi tiền bằng mọi giá với những phương thức như kêu gào, biểu tình, hay bán tháo Trái phiếu chỉ làm mọi việc trở nên xấu đi hơn là tốt. Những tin đồn chỉ vì có đám đông tập trung ở 1 doanh nghiệp nào đó có nghĩa rằng doanh nghiệp đó có lãnh đạo bị bắt, hay vì khó khăn trong tình hình thanh khoản ngắn hạn có nghĩa là doanh nghiệp sẽ sụp đổ hoàn toàn là những suy nghĩ hết sức nực cười.
Cái sai nhiều nhất trong những sự việc liên quan, không phải là bản thân cái Trái phiếu, mà là cái kênh-phân-phối. Việc Trái phiếu phát hành riêng lẻ, vốn nên được dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, dù tổ chức hay cá nhân nữa, đã được phân phối đến những nhà đầu tư không chuyên 1 cách khá dễ dàng trong thời gian vừa qua. Hãy tạm dừng việc trách những bạn chuyên viên tư vấn 1 chút vì thực tế, họ cũng chỉ là làm công ăn lương, có KPI, và nếu không hoàn thành thì họ cũng sẽ không được thưởng, thậm chí nghỉ việc. Thực tế, họ cũng không hiểu nhiều hơn những người mua trái phiếu là mấy đâu. Và nói đi cũng phải nói lại, việc mua những sản phẩm lãi suất cao với ý nghĩa nó "an toàn" thì cũng phải trách chính bản thân mình. Việc mua trái phiếu rồi tự nhiên 1 ngày sợ hãi đòi tiền, có khác gì việc "nhà đầu tư" mua cổ phiếu HPG để rồi chửi chủ tịch và so sánh HPG như cổ-phiếu-rác.
Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp vẫn cần phát triển, vì đó là 1 kênh huy động hấp dẫn của doanh nghiệp, cũng là kênh đầu tư của cá nhân/ tổ chức. Ở các thị trường phát triển, kênh trái phiếu còn lớn hơn rất nhiều so với kênh cổ phiếu. Nó tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể huy động vốn, đỡ phụ thuộc vào ngân hàng hơn như ở Việt Nam hiện tại. TÌnh hình hiện tại, có những rắc rối ở khâu phân phối, những trái phiếu phát hành riêng lẻ lại được ra công chúng 1 cách dễ dàng, điều này cần được chấn chỉnh là hợp lý và tạo đà cho sự phát triển của thị trường. Nhưng chúng ta cũng không vì thế mà bài trừ nó, như việc những Trái phiếu của các Doanh nghiệp lớn như Masan được bán trên thị trường thư cấp với giá 15%, hay của Vingroup lên đến 20% là 1 sự hoảng loạn vô cùng đắt đỏ cho người bán và món hời rất lớn với người mua.
Cuối cùng, mình muốn tóm lại rằng, khi đầu tư một tài sản nào đó, phải tìm hiểu kỹ, phân tích lợi nhuận/ rủi ro, để rồi đặt cược, đừng vì những lời đường mật của bất cứ ai để rồi giải ngân trong chớp mắt để rồi gào thét, đổ lỗi rồi bán tháo trong thất vọng. Tiền của bạn, quyết định của bạn. Bạn nên là người đầu tiên bị trách trước bất cứ điều gì xảy ra với tài sản mà bạn lựa chọn.
Nhận xét
Đăng nhận xét